Hiện nay, Việt Nam đã ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA), gồm: ASEAN, ASEAN (Ấn Độ, Australia- New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc), Việt Nam – Chi Lê, Việt Nam – Nhật Bản. Việt Nam cũng đang tích cực triển khai đàm phán Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA với Liên minh châu Âu (EU). Gần đây nhất là FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan đã chính thức khởi động.

Bài viết dưới đây điểm lại một số FTA có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình thương mại của Việt Nam thời gian gần đây và sắp tới, bao gồm Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Úc – New Zealand; Hiệp định đối tác Kinh tế Nhật Bản – Việt Nam (JVEPA); Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản; FTA Nhật Bản – Chi-lê và FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan.

Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản

Hiệp định khung về quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản được kí bởi các nhà lãnh đạo hai quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nhật Bản hôm 8/10/2003 tại Bali, Indonesia, và nhằm mục đích thiết lập mối quan hệ Đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa Nhật Bản và các quốc gia thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (AJCEP) được thực hiện trong tháng Mười một 2007 tại Manila, và lễ kí kết đã hoàn thành trước 14/4/2008.

AJCEP là hiệp định toàn diện về mục tiêu đối tượng, với các chương về Thương mại Hàng hóa; Biện pháp khử trùng và vệ sinh dịch tễ; Qui tắc tiêu chuẩn, kĩ thuật và qui trình thẩm định đồng bộ; Hợp tác đầu tư, dịch vụ và kinh tế. Hiệp định nhằm vào mục tiêu tự do hóa và điều hòa thương mại hàng hóa giữa ASEAN và Nhật Bản và xúc tiến hợp tác trong các lĩnh vực như Thông tin truyền thông, Sở hữu trí tuệ, và SME. Các bên sẽ tiếp tục thảo luận và đàm phán việc cải thiện các chương Thương mại Dịch vụ và Đầu tư.

Lộ trình có hiệu lực của AJCEP như sau:

  • 1/12/2008 với Nhật Bản, Singapore, Lào, Việt Nam và Myanmar
  • 1/2/2009 với Malaysia
  • 1/6/2009 với Thái Lan
  • 1/1/2010 với Campuchia

6 nước ASEAN có tiềm lực kinh tế mạnh hơn là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan cũng sẽ bãi bỏ thuế trong vòng 10 năm đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, trong khi 4 thành viên còn lại là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar sẽ bãi bỏ thuế theo một lộ trình chậm hơn.

Hiệp định thương mại Nhật Bản – ASEAN (tên gọi chính thức là Đối tác kinh tế toàn diện) là một hiệp định toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, nguyên tắc xuất xứ, giải quyết tranh chấp, khử trùng và vệ sinh dịch tễ, hàng rào kĩ thuật với hợp tác thương mại, kinh tế, và theo yêu cầu của Nhật Bản, còn bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ. Hiệp định được đánh giá có thể làm cho ASEAN trở thành trung tâm sản xuất của cả khu vực.

Với chính phủ Nhật Bản, FTA này là một mục tiêu cụ thể trong nỗ lực nhằm đạt được vị thế ảnh hưởng cao hơn với các quốc gia ASEAN, bên cạnh Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa KỲ. Với Việt Nam, hiệp định mở ra cánh cửa cho Việt Nam tiếp cận thị trường lớn của Đông Á là Nhật Bản theo quan hệ kinh tế đa phương. Từ năm 2008 hầu hết các dòng thuế được miễn giảm cho Việt Nam. Năm 2013 mức thuế về 0% cho nhiều loại sản phẩm như thủy hải sản (030110010, 030229000 , 030339000, 030379099, 030420099, 030490099); đậu nành xanh (071029010 ) các loại ethyl, polyme, poly-vinyl (như tại mã ngành 390190010, 390220010, 390290010, 390410010, 390421010, 390422010…). Đến năm 2015 nhiều loại sản phẩm cũng được miễn thuế cho Việt Nam như thịt và các loại sản phẩm từ thịt (020732100, 020735100, 021092000), tôm hùm (0306222000), các loại rau quả như cà rốt (070610000), xà lách (070690090), dưa leo (070970000)…

Hiệp định đầu tư Nhật Bản – Việt Nam

Hiệp định được kí bởi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Ngoại vụ Nhật Bản từ tháng 11/2003 và chính thức có hiệu lực từ thág 12/2004. Hiệp định nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp cả hai nước. Hai nội dung chính của Hiệp định là (1) “Đãi ngộ quốc gia” – đối xử công bằng giữa doanh nghiệp trong nước với nước ngoài; (2) “Tối huệ quốc” – đối xử tương tự với các doanh nghiệp của các quốc gia khác với điều kiện ưu đãi hơn. Hiệp định đầu tư Việt Nam – Nhật Bản được cho là hiệp định có chế độ ưu đãi cao, với một số điêu kiện ưu đãi cao hơn Hiệp định Hàn Quốc – Nhật Bản. Hiệp định cũng bảo đảm rằng chế độ đãi ngộ không thấp hơn Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (có hiệu lực từ tháng 12/2001).

Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản – Việt Nam (JVEPA)

Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (EPA) bắt đầu đàm phán từ năm 2007. Sau 9 phiên đàm phán chính thức, hai bên đã nhất trí đi đến ký kết Hiệp định. Cũng như các Hiệp định EPA khác, đây cũng là một Hiệp định kinh tế toàn diện cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế.

Hiệp định tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia trong nhiều lĩnh vực như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, môi trường kinh doanh, chuyển giao nguồn nhân lực, đặc biệt thành lập các tổ chuyên đề về hợp tác nguồn nhân lực và du lịch… Theo Hiệp định này, 92% hàng hóa giữa hai quốc gia sẽ được hưởng miễn giảm thuế suất trong vòng 10 năm từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

Đối với thương mại hàng hóa,Việt Nam đồng ý tự do hóa đối với 87,66% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm. Nhật Bản cam kết tự do hóa 94,53% kim ngạch thương mại trong vòng 10 năm.

Hiệp định cũng đã thỏa thuận củng cố ngành công nghiệp hỗ trợ (SI) cho cả doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong các lĩnh vực như sản xuất xe máy, xe hơi, thiết bị điện tử tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kí Quyết định số 57/2009/QĐ-TTg ngày 6/4/2009 chấp thuận và cho thực thi Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nhật (JVEPA). JVEPA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2009.

Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand

Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Úc – New Zealand (AANZFTA) được đánh giá là một trong những hiệp định thương mại đầy tham vọng của Úc. Hiệp định bao gồm cả Úc, Newzealand và các quốc gia ASEAN – Brunei, Myanmar, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam – một trong những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới và gần ngay cạnh Úc.

AANZFTA là FTA đa phương đầu tiên của Úc. Đó cũng là lần đầu tiên Úc và New Zealand tham gia đàm phán FTA với các quốc gia thứ ba, lần đầu tiên ASEAN tham gia đàm phán FTA liên quan đến mọi khía cạnh như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ.

AANZFTA sẽ mang đến những lợi ích thương mại tốt hơn cho nhà xuất khẩu và đầu tư Úc. Điểm nhấn quan trọng trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand là theo kế hoạch, đến năm 2018, ASEAN, Australia và New Zealand cùng cam kết xoá bỏ thuế quan với ít nhất 90% số dòng thuế. Điểm đáng chú ý là việc các bên cam kết thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ nhằm đảm bảo các biện pháp phi thuế như cơ chế cấp phép, tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không tạo ra những rào cản thương mại không cần thiết trong khu vực.

Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định AANZFTA này. AANZFTA sẽ mở rộng dòng chảy thương mại, thúc đẩy các trao đổi về hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam với Australia và New Zealand. AANZFTA sẽ giúp hàng hoá của Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường Australia và New Zealand. Phần lớn những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam như: nông sản, thuỷ hải sản, dệt may, các sản phẩm chế biến từ gỗ… được Australia và New Zealand giảm thuế xuống 0% vào năm 2010.

FTA Việt Nam – Chi-lê

Hiệp định đã được ký kết vào ngày 11/11/2011, có hiệu lực trong năm 2013. Theo thỏa thuận trong FTA, Chi-lê cam kết sẽ xoá bỏ thuế quan đối với 99,62% số dòng thuế nhập khẩu trong vòng 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Trong đó, cam kết xoá bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với 83,54% số dòng thuế hiện đang có mức thuế suất 9,3% và 6%. Trong số đó, phải kể đến 12 dòng thuế có mức thuế suất cơ sở cao nhất trong biểu thuế suất MFN của Chi-lê từ 9,3% cam kết sẽ giảm xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, đó là các mặt hàng thịt và phụ phẩm sau giết mổ của gia cầm, ướp lạnh hoặc đông lạnh. Chi-lê cũng loại trừ 29 dòng thuế tương đương với 0,38% tổng số dòng thuế trong đó có một mặt hàng lúa mì, một mặt hàng ngũ cốc, bột mì, mặt hàng đường, bột làm kem, chế phẩm không cồn để sản xuất bia, bột coca, một số loại lốp xe cũ và đắp lại.

Về phía mình, Việt Nam cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 87,8% số dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu hiện hành (chiếm 91,22% kim ngạch nhập khẩu từ Chi lê sang Việt Nam năm 2007) trong vòng 15 năm. Trong 12,2% số dòng thuế còn lại có 4,08% số dòng thuế thuộc danh mục loại trừ (không tham gia giảm, xoá bỏ thuế), 3,37% số dòng thuế được giữ nguyên thuế suất cơ sở và 4,75% số dòng thuế được giảm thuế một phần.

FTA Việt Nam – EU

Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – EU (FTA Việt Nam – EU) được đàm phán và ký kết sẽ có tác động tích cực đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và EU.

Khi kí kết FTA thì các ngành dịch vụ Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do châu Âu (EU) vốn có ưu thế về lĩnh vực này. Tuy nhiên trong thách thức vẫn tiềm ẩn cơ hội, đặc biệt các ngành sản xuất sẽ hưởng lợi từ sự cải thiện của logistics, dịch vụ. Trong thương mại tương lai, logistics sẽ có vai trò lớn trong việc cải thiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất.

Hiện tại, EU đang áp thuế cao với sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam trong đó da giày chiếm 12,4%, dệt may chiếm 11,7%, và thủy hải sản chiếm 10,8%. Các ngành này dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều khi Hiệp định được kí kết. Cũng theo một nghiên cứu mới đây của chương trình Việt Nam-EU Mutrap, FTA sẽ tăng sản lượng xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam sang EU lên 10-20%. FTA cũng sẽ góp phần làm ổn định thuế suất đối với sản phẩm gỗ Việt Nam và làm tăng nhẹ lượng xuất khẩu.

FTA với EU cũng sẽ chú trọng vào môi trường đầu tư, tài sản sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững và sẽ ảnh hưởng mạnh đến nhiều ngành công nghiệp Việt Nam.

FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan

Ngày 15/12/2014, Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan đã ký Biên bản thỏa thuận về việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh thuế quan (VCUFTA) và Hiệp định đã được kí kết chính thức vào đầu năm 2015.

Hiệp định bao gồm các nhóm nội dung chính về: Thương mại hàng hóa; Quy tắc xuất xứ; Phòng vệ thương mại; Thương mại dịch vụ; Đầu tư; Sở hữu trí tuệ; Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS); Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); Công nghệ điện tử trong thương mại; Cạnh tranh; Pháp lý và thể chế.

Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh Hải quan đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Các mặt hàng này đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.

Phía Liên minh Hải quan đã dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản, tất cả các mặt hàng thủy sản và hàng công nghiệp như dệt, may, da giày và đồ gỗ.

Với FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga-Belarus- Kazakhstan, Việt Nam sẽ tạo cơ hội khai thác thị trường Liên minh Hải quan (từ 1/1/2015 chính thức trở thành Liên minh Kinh tế Á – Âu, với 3 thành viên là Nga, Belarus và Kazakhstan, đồng thời, Armenia và Kyrgyzia cũng đang thực hiện lộ trình hài hòa pháp luật trong nước để gia nhập Liên minh này) và trở thành nước đầu tiên ngoài SNG có FTA với khu vực này, có lợi thế người đến đầu tiên. Ít nhất 80% hàng hóa vào Nga sẽ được miễn thuế. Hàng tiêu dùng sẽ hưởng lợi lớn do Nga không tập trung nhiều vào các ngành công nghiệp này và hài hòa được các quy định về TBT, SPS, Hải quan…

Để gia tăng thương mại trong thời gian tới cần thực hiện nhiều hành động như xóa bỏ rào cản thuế quan, phi thuế quan, thuận lợi hóa thanh toán, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng giao thương giữa các địa phương, tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp tại các địa phương, phát triển chính sách giá hiệu quả cũng như tăng cường hợp tác sứ quán, thương vụ và tổ chức các hội chợ triển lãm tại Nga. Các doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu vào Nga cần đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực cả về vốn, thời gian và nhân sự. Do vậy, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch dài hạn và kiên trì theo đuổi các mục tiêu của mình.

Nguồn: Theo Cổng thông tin điện tử Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí Minh